28.7.08

Diễm xưa




Nón nghiêng che nắng hoàng hôn
Làm sao che được nỗi buồn đang tan
Nón che nửa buổi chiều vàng
Và hôm nay nắng nhẹ nhàng buông rơi.
Ngọc Bích

Xa rồi




Xa rồi cái thuở học trò
Đời tôi như một chuyến đò trên sông
Trời vào thu sắp sang đông
Trôi trên bến vắng chẳng mong tới bờ

Thuyền tôi chở những bài thơ
Mênh mông thuyền mộng chở mơ rất đầy
Bao giờ thuyền cập bến đây
Cho tôi và những mơ đầy bến mơ

Ngọc Bích

Đợi chờ



Nắng vàng mây trắng uyên ương
Tình yêu như tận cuối đường chân mây
Chờ người đã bấy lâu nay
Bóng hoa nguyệt quế vẫn đầy tỏa hương
Phải chăng trong cõi vô thường
Người còn ngậm ngải đốt hương tìm người
Chỉ riêng người ấy mà thôi
Em chờ anh góc ven đồi đầy hoa .
Dưới trời mây trắng bao la
Dành riêng chỉ có em và anh thôi
Đợi anh lòng rất bồi hồi...
Chỉ cầu mong được cùng người dẫu chưa...
Lỡ mà trở ngại , nắng mưa
Lỡ mà người vẫn còn chưa hiểu lòng
Bâng khuâng bên sắc hoa hồng
Để lòng chợt ấm mơ vòng tay anh
Trời Cali nắng vẫn xanh
Và em vẫn đợi chờ anh bên này .

Ngọc Bích

25.7.08

Mùa xuân cứ mãi khi anh bên nàng



Bên anh , em ngủ thật say
Ngủ êm trong một vòng tay êm đềm
Ngủ đi em ! Ngủ đi em !
Chiều đi chầm chậm chờ đêm xuân dài

Và em trong giấc mộng thôi
Mơ màng ngủ thiếp trong đôi tay chàng
Chiều về thơm nắng chiều vàng
Có con chim hót nhẹ nhàng ngoài hiên

Em say gối cánh tay êm
Xõa làn tóc rối phủ mềm vai anh
Rồi trong giấc ngủ mong manh
Mùa xuân cứ mãi khi anh bên nàng

Một chiều xuân nắng hanh vàng
Một mùa xuân mới vừa sang bên trời

Quả cười mùa Xuân năm ấy



.Quả cười mùa xuân năm ấy
Ngọc Bích

Hàng năm cứ mỗi mùa xuân, gia đình Thuỳ lại có dịp lập lại tục lệ cũ là cùng nhau kể lại những chuyện vui sau bữa ăn cơm chung của đại gia đình. Năm nay cũng không khác gi khi chuyện xưa được bắt đầu bằng một câu lục vấn:
_ Chị Thuỳ có khác chị lúc nào cũng thuỳ mỵ, diu dàng...kể cả những lúc chị giận em cũng chẳng tìm ra nét dữ của chị, lạ nhỉ, chị có phép nào mà hay thế? Truyền lại cho em út mấy chiêu đi chị!
Thuỳ chỉ cười và đáp:
_ Giản dị lắm em ơi, đàn bà con gái Việt Nam mình có truyền thống là lễ phép này, dịu hiền này, tế nhị này chẳng thế mà ...ngày xửa ngày xưa các cụ nhà ta lễ phép dến độ là đi tiểu cũng còn xin phép chông nữa kia em ơi!
Lũ em ngặt nghẽo cười:
_ Thôi đi bà ơi! làm gì có cái vụ đó, lễ phép cũng phải có chừng nào thôi chứ, điều này em nghi là chị...sáng tác ra chứ có đời thuở nhà ai lại xin phép cả khi đi tè ấy đâu nhỉ?
Thuỳ nhỏ nhẹ đáp lại:
_ Thực ra thì mấy cô đoán cũng có phần đúng, nhưng thôi để chị kể một chuyện vui cho mà nghe. Số là trong một chuyến đi du lịch, các du khách ngồi chờ đợi cho xe buýt đổ săng hơi lâu, các vị ấy mới đùa với nhau rằng thôi thì xe nó đổ săng vô mới chạy được còn bọn mình chắc là phải đổ săng ra kẻo không thi khó mà chạy được lắm. Thế là cả bọn nhao nhao lên rủ nhau đi ...tè. Trong đám du khách đó có đủ cả : Bắc, Nam,Trung và người Việt gốc Hoa, người Việt gốc Mỹ và v.v thứ người. Họ bắt đầu trách cứ nhau là nào không lịch sự, nào không nhường nhịn lại chen lấn nhau. Trong lúc đó thì một ông lên tiếng rằng chỉ có các bà các cô mới thế chứ bọn đàn ông chúng tôi đâu có lộn xộn thế đâu. Lập tức gặp phản ứng rất ư là dịu dàng phái nữ chị đáp ngay:
_Thôi đi quí ông, chị em phụ nữ chúng tôi mới là lễ phép, lịch sự đó, lịch sự đến cái nỗi mà ngay cả khi đi tiểu chúng tôi cũng còn" Trình cha, lạy mẹ, thưa chồng.
Cho con đổ nước trong lòng con ra ".
Một ông lên tiếng bênh vực người đồng phái ngay:
_ Chắc hẳn là phải gặp một cô Bắc kỳ mới thế chứ , đàn bà con gái Nam hoặc Trung họ đâu có đanh đá dữ vậy!
Thực ra thì chả cứ gì con gái Bắc mới chua ngoa đanh đá mà ngay cả các cô gái Nam hay Trung cũng ra gì cả đấy. Đây này các cụ nghe nhé, các cô gái Trung thế này mà chả chua ngoa hay sao: Ngày xưa khi các chàng trai còn theo tục lệ là phải vào kinh đô để dự thi ,mà hễ đã đi thi ắt phải xa nhà và phải ở nhà trọ hoặc ở nhờ nhà bà con họ hàng. Nhưng nếu cứ ở nhà trọ hay nhà hàng cơm cháo gi thì cũng phải do các cô, các bà nấu nướng săn sóc hầu hạ nên đó cũng là một việc mà đôi khi các cô các bà dẫu không lấy gì làm thích thú nhưng vẫn cứ phải làm hoặc vì bổn phận đàn bà là phải lo cơm nước chứ các cậu, các thầy có bao giờ phải vào bếp đâu. Đa số cho đó là " Công việc cuả đàn bà". Các cô ức lắm nên cũng đôi khi có phản ứng nhẹ. Do đó một hôm các cậu nhân buổi thừa nhàn ngồi tán dóc mới chòng ghẹo các cô.Cậu Hải có cả tiểu đồng theo nấu cơm, hầu nước ( lo lgánh nước cho cậu tắm ) giặt quần áo cho cậu. Cậu bỡn với bè bạn trước mặt cả đám năm sáu cô:
_ Nhỏ Chắt ơi! con cố gắng lo hầu hạ cậu đi, mai kia khi cậu đỗ đạt, ra làm quan rồi, thiếu gì cô theo. Không biết chừng lúc đó con lại phải nghỉ việc về nhà làm đồng áng thôi. Cậu mà kén được cô nào ưng ý cho theo hầu ngay.
Các cô nghe thây thì ức lòng lắm.Còn phía bên nam giới các cậu cũng còn đang say giấc mộng công hầu nê chưa có cậu nào hưởng ứng câu bông đùa của cậu Hải thì cô Hồng là một cô gái xinh xắn nhanh nhẹn đã đỏ tươi đôi má cười nhỏ nhẹ đáp:
_ Đúng đấy Chắt ơi! mai kia mốt nọ khi cậu Hải công thành danh toại rối thì thiếu gì cô năn nỉ chạy theo các chị nhỉ. Khốn một nỗi bây giờ cậu còn đang lo ra kinh để học ,để thi cho nên rằng em xin nhắn nhủ cậu:" Cậu ra chi mà mỗi tháng mỗi ra.Mỗi khi cậu ra thì chị em tôi chịu khổ đến ba bốn ngày! " Phải không các chị?
Thế là các cô hiểu ý nhao nhao lên:
_ Dạ ! dạ đúng thế đấy ạ !
Các cậu khác tinh ý biết ngay là cô Hồng chua ngoa xỏ ngọt cậu Hải rồi, các cậu cũng ức lắm nhưng chưa nhanh trí nghĩ ra câu đối đáp thì lại thêm cô Lụa nhập ngay vào cuộc trả đũa các cậu tức thì:
_ Thôi em xin can, để hạ hồi phân giải một khi mà các cậu ấy đỗ đạt nên danh phận rồi thì kiếm đâu chả được các cô theo hầu làm thê làm thiếp.
Các cậu thực tình đồng ý ngay:
_ Phải rồi, trai lúc đó tha hồ năm thê bảy thiếp, chỉ lo các cậu chẳng biết chọn cô nào thôi.cho nên các cô liệu mà chiều chồng cho khéo vào từ nay trở đi là vừa.
Cậu Thanh nói xong đắc ý cười ngạo nghễ. Cô Thảo ấm ức nãy giờ vì câu nói có vẻ coi thường đàn bà của cậu Thanh nên bồi ngay một câu nhẹ hều:
_ Vâng sẵn đây em cũng xin tập chiều...chồng bằng cách:"Tặng chàng một nắm ngô rang(ngô rang là bắp rang tiếng của miền Bắc và Trung ).Bỏ đâu cho mọc thì ...em theo chàng một khi.

Ngô khi đã rang chín,nở toe ra rồi thì hỏi còn bỏ đâu cho mọc nổi nữa mà cô Thảo nói thế chẳng chua ngoa lắm sao?Như các cậu cũng có vừa gì. Các cậu bênh nhau ra phết.Một cậu nhanh miệng đáp:
_ Ở đâu mà nắng không khô
Mà mưa không ướt bỏ vô mọc liền.
Các cô có biết không?

Bị trả đũa đúng ,các cô rủ nhau bỏ ra ngoài. Chẳng thèm đối đáp nữa cho bõ ghét.Khi các cô vừa bước chân ra khỏi ngưỡng cửa là tiếng nói cười lại rộn ràng lên túc thi. Vui biết mấy khi bọn họ ríu rít bên nhau. Câu Hải bị trêu ghẹo vẫn chưa thôi ấm ức trong lòng bèn phê:
_ Ôi giào ! Nhị nữ đồng hành, tung hoành tứ khẩu( có nghiã là gớm chỉ có mỗi hai cô gái đi ra thôi mà như có tới bốn cái miêng tung hoành vậy)

Cô Hồng còn đi chậm phía sau nghe thế, cô cũng vốn có chút ít chữ nghĩa vì cô vốn là con cụ đồ Trịnh, cô đối lại ngay:
_ Vâng quả thế các cô ấy đến là...lắm mồm. Mà mấy cậu đây cũng nhiều óc thông minh có kém gì ai. Tam nam đồng tọa, thượng hạ lục đầu mà(có nghĩa là ba người cùng ngồi, trên dưới sáu đầu).

Biết cô Hồng chẳng kém phần hai cô đã bỏ ra ngoài, các cậu đành chịu trận cười trừ.Thế thì các em xem con gái miền Trung có hiền đâu nhi?Nhưng mà chị biết các em còn thắc mắc về sự hiền lành chơn chất của các cô gái Nam lắm phải không?Không đâu, các cổ cũng đáo để chẳng thua ai. Các cô thành thưc và cũng ...trời ơi lắm mà.Một buổi đẹp trời khi các cô vui đùa rủ nhau đi tắm biển Vũng Tầu thì cũng do sự tình cờ một nhóm ba,bốn cậu nghe được bèn xin tháp tùng đi cho có bạn. Các cô đồng ý cùng đi cho vui. Nhưng các cậu thì không hẳn thế. Cho nên ngay khi ra đến bãi biển các cô lo vui đùa thỏa thích thì các cậu ranh ma cũng lo lập kế để nhìn trộm nếu các cô hớ hênh trong lúc thay quần áo. Đó chỉ là bản tính tinh nghịch của tất cả các chàng trai trẻ chứ thực ra họ cũng chẳng có ý gì xấu.Ruỉ thay các cô biết được ý đồ đó nên các cô bảo nhau bằng cách trải khăn tắm ra bãi biẻn nằm .Vừa nằm xuống cát một trong bốn cô liền cất tiếng hát vọng cổ rằng:
_ Em Lan ơi,nếu em có tắm thì tắm xa mé bển...chớ có tắm gần bên... mà mấy con cá lòng tong nó rỉa hết mấy sợi lông...à à à a a a !
Rồi cô cố kéo dài ra cho đén chữ lông...mày. Trươc khi dứt câu ở chữ ...à à à a a a mày cô còn nhìn rõ vào tận mặt kẻ bị gọi bằng ...mày.
Thế em đã thấy được sự hiền lành chơn chất của các cổ chưa ?
Còn thêm một giai thoại "Lịch sử cận đại" nữa về sự việc chua ngoa ngoắt nghéo của các thiếu nữ Nam kỳ nữa đây này.Chuyện kể rằng vào thời điểm mà các cán ngố mới từ Bắc vào Nam các chàng tận dụng bốn V, có nghĩa là VÀO, VƠ, VÉT,VỀ. Các chàng lớ ngớ đem tiền đi chợ mua quà về cho thân nhân ở quê nhà, nhưng vì bị giam giữ trong rừng sâu nước độc quá lâu và bị Vẹm tuyên truyền quá kỹ nên các chàng vốn đã ngố lại càng ngố thêm khi ra
chốn phồn hoa Saìgòn. Một buổi đẹp trời kia anh Cả Quỷnh đi chợ Bến thành tìm vào hàng bán sầu riêng mua về làm quà biếu Tết để chứng tỏ là chàng ta đã từ miền Nam và mang về những đặc sản của miền quê Nam Việt . Cả Quỷnh muốn đem về Bắc hai thứ trái cây quí là măng cụt và sầu riêng. Mua măng cụt thì dễ rồi, còn sầu riêng thì chàng chẳng biết chọn ra sao cho được quả ngon và chín cả cho nên mới nói với cô bán hàng:

_ Cô làm ơn làm phúc chọn cho tôi quả nào ngon và chín ngọt ấy cô nhé, tôi thì tôi thấy quả nào cũng đầy gai và xù xì xấu xí,coi cục mịch quá nên chả biết đàng nào mà chọn cả.Tôi nghe bảo sầu riêng nó quí ở chỗ mùi thơm ngào ngạt ấy phải không cô?

Cô Hoa bán hàng đủng đỉnh :
_ Dạ, dạ thưa anh Hai, trái nào cũng thơm ngon hết đó. Ăn thua anh thích trái chín ăn liền hay trái sống còn để dành được đôi ba bữa.Anh cứ chịu giá đi rồi em lựa cho!

_ Mà này cô, tôi chịu cô, chịu lắm đấy cô.

Chàng nói xong lấy làm thú vị vì câu nói hai nghĩa của mình cứ tủm tỉm cười. Cô bán hàng nào phải tay vừa. Cô bồi ngay ,cô lại quả cô trả đũa cho chàng hậu hĩnh nữa là khác:

_ Dạ, dạ anh Hai chịu rồi hén, để em vạch đít ra cho anh hửi ngay nha, anh thấy thơm liền há!

Thế thì chàng chỉ còn có nước cười ra nước mắt chứ biết nói sao vì ý cô muốn nói là cô vạch trái sầu riêng ở phía dưới cho nó tách rời chỗ hai múi sầu riêng ra thì anh Hai sẽ ngửi ngay thấy là trái sầu riêng chín thơm ngát đến mức nào kia mà.
Thế thì còn ai dám bảo là gái Nam kỳ không chua ngoa đanh đá nữa nào?
_ Nhưng chị ơi! người ta đồn rằng...
_ Đồn rằng làm sao nào?
_ Người ta đồn rằng gái Bắc kỳ còn đanh đá cá cầy hơn gấp bội mà em thì chưa bao giờ thấy... chị là Bắc kỳ chính gốc Bà Lang Trọc mà chị hiền khô à!

_ Ấy ! ấy! em ơi, em phải để chị kể cho em nghe cái " Hiền khô" của gái Bắc cho nó công bằng đã chứ. Chưa chi đã vội vàng nhận vơ cái tốt vào cho Bắc kỳ...cục nhà mình nào. Các cô ấy còn chua hơn dấm em ơi!

Chả thế mà chị nghe mẹ kể về một huyện lỵ miền Bắc, hàng năm cứ vào mùa cấy là các chàng trai học trò ở tỉnh chỉ thích về quê để được ngắm các nàng thôn nữ " Áo thắt vạt, nón nhị thôn xơ lá. Loáng nắng vàng che chở má hồng tươi" như trong thơ của ông Hồ Dếnh tả đang khom lưng cấy mạ dưới ruông đầy váng nước, các cô thường mặc váy đen cúi khom lưng xuống cấy .Vốn sợ ướt váy nên các cô thường phải xắn cao váy lên, mà khi váy được xắn lên cao thì phải để lộ đôi bắp vế trắng nõn nà giữa đám mạ xanh non mềm mại lung linh mặt hoa in đáy trong làn nước thử hỏi còn hình ảnh nào nhiều màu sắc và thơ mộng hơn được nữa không?.
Tức cảnh sinh tình các thư sinh thường đem những hình ảnh đẹp đó đi vào cõi thơ như là câu
Cô kia con gái nhà ai
Phải cô đứng đợi chàng trai chợ Phùng( tên làng Phụng hiệp gần Sơn tây)
Hoặc là:
Cô này xinh đẹp nhất vùng
Cô còn đứng gốc cây tùng đó ư ?
Anh về anh ốm tương tư
Ước ao lấy trấu đánh bóng lư cưới nàng
Rồi thi lại còn:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi...
Và v.v biết bao nhiêu hình ảnh đẹp cho các chàng mơ ước ,bông đùa, trêu chọc các cô. Đôi khi sự đùa bỡn đưa đến những đối đáp rất chi là gay gắt..Một buổi chiều kia khi ánh nắng vàng nhuộm thắm má các nàng thôn nữ xinh tươi đang nhí nhảnh vui đùa vừa khom lưng cấy lúa Đúng vào dịp các chàng trai thư sinh thả bước trên đường quê bất chợt thấy được những nét đẹp hớ hênh thôn nữ của những chiếc váy xắn cao để lộ cặp đùi nõn nà tưôi mát nên buông lời chọc ghẹo;
_ Cô kia tội lỗi vì đâu
Sao cô lại chổng ...cái phao câu lên trời?
Cái phao câu thì chỉ có thể dùng cho loại gà, vịt mà thôi chứ chẳng ai lại dùng để diễn tả một cảnh đẹp thơ mộng đến như thế bao giờ.Tức thì một giọng hát ví nhẹ nhàng cất lên trong trẻo đáp lời một cách tế nhị nhưng cay sè trả đũa đến với các chàng trai lỡ dại vừa buông lời cợt nhả:
_ Em nào có tội tình chi
Em không chổng tĩ lấy gì anh ăn?
Lời đáp ôi chao sao mà chan chát từng câu, tung hứng từng chữ! Chả là khi các chàng hỏi rằng tại sao các cô có tội lỗi gì không mà lại cứ chổng ...cái phao câu( là cái chỗ dể ngồi, còn gọi là cái bàn...tọa, cái mông ) chứ có ai dám gọi là cái phao câu của con người đâu ,đã tung ra câu hỏi thì đành phải hứng câu đáp thôi.. Vì thế câu trả lời đã được tạt lại ngay mà! Các cô bảo các cô chẳng có tội lỗi quái gì cả, giản dị thôi, nếu các cô không chổng ...tĩ (cũng lại là tiếng để chỉ cái chỗ đó của con gà dùng để bài tiết ra ngoài những cặn bã) thì các chàng làm gì có cái mà ăn ???
Quá ức vì bị các cô chơi chữ, các chàng trai bèn tìm cách nói lại cho vừa lòng bằng cách nào đây nhỉ. Thôi thì nhẹ nhàng xỏ xiên lại vậy chứ chả lẽ nam nhi mà lại thua trí đàn bà sao? Một chàng bèn lên tiếng chỉ vào ngực mình rồi lại chỏ vào một cô xinh đẹp hiền lành trong bọn:
_ Cô ấy mà lấy anh này
Chẳng phải đi cấy đi cầy gì đâu
Ngồi trong cửa sổ têm trầu
Có hai thằng bé quạt hầu hai bên.

Cô này thẹn đỏ mặt chỉ lườm nguýt dài một cái mà rằng:
_ Cái đồ...vô duyên lạ đời !
Thấy cô này hiền lành đã mắng mà chỉ mắng yêu thôi nên một chàng khác được thể tấn công tiếp một câu:
_ Em đã đẹp lại có duyên
Mà sao em cứ để cái tổ tiên ra ngoài?
Nghe thế các cô cùng bực mình lắm, xong le vẫn để giữ thái độ hòa nhã các cô cũng cắc cớ hỏi lại ngay vào cái câu mà các chàng đang chưa biết phải xư ra sao. Chả lẽ đã thấy người ta vừa đẹp,lại vừa có duyên như thế mà chỉ có biết chọc ghẹo suông thôi ư ? Áy mới rõ là cái đồ vô tích sự!
_ Em đẹp,em lại có duyên
Sao anh không biết rước lấy cái tổ tiên về mà thờ?
Đến nước này thì quả là các cô Bắc kỳ nho nhỏ quá quắt lắm thay! Cái tổ tiên là cái đã sinh ra con cháu, mà người ta ai chẳng phải thờ tổ tiên ,thì thử hỏi sao anh chàng lại không rước lấy đem về mà ...thờ?

Nói cho cùng thì phàm đã làm người Việt Nam, người nào cũng có ít nhiều thi tứ, cũng có đôi chút lãng mạn cho tâm hồn thanh thản, nhất là để cho quên những nỗi thương đau nên người ta có đôi khi cũng phải pha chút đường vào chanh cho thêm vi ngọt em nhi# Mà đã ngọt thì hỏi ai không hảo? cho nên các người đẹp của cả ba miền Nam Trung Bắc mà có lâu lâu chua ngoa đanh đá một chút thì đời cũng chỉ thêm phần thi vị thôi. Các nàng còn nhiều thiên chức đáng được yêu mến nể vì, và cho đến khi các nàng đổi vị trí, các nàng cũng lại trở thàng các bà mẹ hiền yêu dấu, các bà vợ chung tình chẳng bao giờ biết quản ngại đường xa trên đường thăm nuôi săn sóc cho chồng trên khắp các trại tù của mọi nẻo đường đất nước. Để rồi sau này các nàng lại cũng chính là các bà mẹ đã hân hoan mừng đón con đỗ đạt thành công rực rỡ trên những sân trường đại học danh tiếng khắp hoàn vũ . Các nàng chính là những bà mẹ Viêt nam xuất thân từ các cô thiếu nữ của ba miền đất nước. Các nàng còn là những thiếu nữ thuỳ mỵ,đoan trang, hiền thục của những ngày xưa thân aí, là mẹ mình đó em ơi !Thế mà bi giờ mẹ vừa già, vừa...lẩm cẩm em nhỉ ? Nhưng mà nói nhỏ câu này em nghe nhé:

_ Chị rất là yêu thích những cái chua ngoa đanh đá, yêu luôn cả cái nết khó khăn bắt bẻ của mẹ nữa đấy. Vì thế mẹ mới là mẹ mình.

NgocBich

24.7.08

23.7.08

Lời tự thú




(Ngọc Bích gửi người yêu dấu)

Anh à ! em nói nhỏ nha !
Em Yêu Anh quá rồi mà anh ơi !
Nói ra em sợ anh cười
Mà im lặng lại...để rồi yêu thêm...

Thì yêu ! đâu kể căn nguyên
Nói chi tình ,lý cho thêm lẽ thường
Chữ yêu đứng cạnh chữ thương
Giống như em vẫn thường thường hay mơ

Một chiều, qua một chiều xưa
Khi mà hai đứa mình vừa gặp nhau
Đã yêu... nên gặp lần đầu
Đã là tình cuối, lần sau cùng mà!

Anh ơi ! em nói thật nha!
Yêu anh chỉ biết anh là của em
Trong tim em rất êm đềm
Gọi tên anh, chỉ riêng em gọi thầm

Ngọc Bích

Ao nhuộm hoàng hôn



Đường xưa áo nhuộm hoàng hôn
Gót hồng nhẹ bước thả hồn đăm chiêu
Chìm dần trong áng mây chiều
Trong hiu hắt gió, chắt chiu giọt buồn

Nhặt từng cánh mỏng cô đơn
Chậm rơi phủ kín nẻo hồn lãng du
Hình như trời sắp vào thu
Mây năm xưa tím âm u trở về

Đâu đây cánh bướm cuối hè
Lướt trên cỏ biếc mà nghe muộn màng
Người đi lòng vẫn miên man
Bước chầm chậm cuối con đường vào mơ

Xa dần những nẻo đợi chờ
Dấu chân in dấu bước hờ hững theo

Chiều Mưa Nghe Nhạc Văn Cao



Chiều mưa nghe nhạc Văn Cao
Hồn người xưa quyện lẫn vào phím tơ
Chìm theo dòng nhạc trong mơ
Về thời xa vắng bên bờ đại dương

Sóng lòng bao kẻ ly hương
Nương theo cánh nhạc sầu tuôn dạt dào
Tơ chùng cung nhạc bay cao
Giờ đây anh đã nhập vào “Thiên thai”

“Bến xuân” giấc mộng đầu đời
“Cung đàn xưa” đã một thời yêu đương
“Suối mơ” hồn lạc thiên đường
Trên sông khói sóng cuốn hồn ‘Trương Chi”

“Đàn chim Việt” thuở chia ly
Tha hương, biệt xứ bay đi khắp trời
“Quê em” nơi ấy trăng soi?
“Bắc Sơn” và nỗi ngậm ngùi còn đây

“Buồn tàn thu” gió heo may
“Làng tôi” đượm lúa hương say “Ngày mùa”
Giọng hò vang “Tiếng sông Lô”
Hồn ai tan tác xa mờ quê hương

“Mùa xuân đầu tiên” nhớ thương
Đưa hồn ai lại phố phường ngày xưa:
Trăng còn soi chấn song thưa ?
Lòng ai sống lại tuổi thơ đêm rằm

Tơ đàn vương với tháng năm
Dư âm vang vọng...con tằm nơi nao?
Nương dâu vàng lá thu nào
Tằm thôi còn nhả tơ vào nương xưa

Thu xưa, một sớm thu mưa
Văn Cao đùa nhận :mùa thu của mình
Mùa thu của những người tình
Nạm vàng trong trái tim hình Thúy Băng.

Ngọc Bích

Người ta canh kiệu thì ngon....


Gửi đến bạn một bài viết tếu, đọc chơi cho vui vàcũng là một thể loại Truyên tranh đấu, tố cộng một cách nhẹ nhàng mà vui đáo để.

Người ta canh kiệu thì ngon
Ngọc Bích

Và xin kể về TIÊN, SƯ, và CHA nhà bác Hồ một câu chuyện ...vô duyên nhưng có thực sau đây:


Người ta canh kiệu thì ngon
Tôi canh hương án thì đòn vào lưng
Anh chồng hí hửng khoe với vợ:
- Bu nó ơi ! Bữa nay tôi qua nhà ông bà Bửu Cung, dòng họ vua chúa có khác, bà xã của ông ấy mời tôi ăn cơm với gia đình bên ấy. Bà ta nấu ăn sao mà vừa ngon, vừa khéo, thật ăn một bữa nhớ đời.
Chị vợ cán ngố cao tuổi đảng nghe mà bực mình ,săn đón hỏi chồng:
- Thế nhà bên ấy mời thầy nó ăn những món cao lương mỹ vị gì mà nức nở khen nào?
Anh chồng đủng đỉnh đáp:
- Có gì đâu đặc biệt, chẳng qua là bà ấy khéo chế biến ra cái món ngon mà giản dị, chỉ là bát canh kiệu ăn với món Thủy Tinh Cung Cầu . Hôm nào bu nó qua học cách nấu cho tôi bát canh như thế là đủ rồi.
Chị vợ lườm chồng một cái rồi mới thủng thỉnh nói:
- Được rồi, cơm nhà quà vợ có bao giờ ngon ! Bữa nào tôi nấu cho bát canh khác, ăn thử xem có ngon bằng vạn lần ấy chứ ! Bác Hồ quen an cực khổ nên chẳng cần gì những món cao lương mỹ vị cầu kỳ như thế cả. Thầy nó chỉ đua đòi mấy cái thứ TTS của bác Hồ (Tiểu Tư Sản nhưng dân chúng cứ bình dân mà diễn nghĩa kiểu nôm na ra câu..Tiên Tổ Sư của nhà bác Hồ )
Thế rồi từ đó chị vợ cứ loanh quanh trong làng tìm tòi cách nấu canh...kiệu. Tìm mãi chẳng ra chỗ nào có ...kiệu để trổ tài nấu canh dằn mặt chồng cho biết tài bà. Thôi thì tìm chẳng được kiệu để nấu canh, chị nghĩ hay là mình thay bằng thứ khác...Cái này ngon chán. Cứ thế chị chế biến món canh đặc biệt cho chồng lắc mắt. Chị mời chồng một cách hớn hở:
- Thầy nó vào xơi cơm, bữa nay em nấu món này ngon gấp mấy lần canh kiệu nhà ông Bửu Cung ấy chứ, còn món Thủy Tinh Cung Cầu thì...thầy nó cứ ăn xong là sẽ thấy ngay ý mà.
- Lạ nhỉ ,hôm nọ họ dọn lên bàn ăn chung với canh kiệu mà bu nó ?
Chị vợ khễ nễ bưng mâm cơm lên, bát canh nóng khói lên nghi ngút, đỏ tươi thấy lạ mắt quá, anh chồng hỏi:
- Ô hay , bu mày nấu món gì chứ đâu phải canh kiệu?
- Tôi tìm mãi trong làng chẳng ai có kiệu cả, tôi ra đình thấy cái hương án sơn son đỏ đẹp nên nạo lấy ít mùn sơn đem về nấu đấy Ôi chao! hương án ắt phải ngon hơn kiệu chứ?
Anh chồng tức cười về chị vợ cao tuổi đảng thấp tuổi đời và nhất là về cái Đỉnh Cao Trí Tuệ Thấp thì quả là chị xứng danh con cháu nhà bác Hồ của chị nên anh lại nổi cáu vì đói mà bát canh kỳ lạ kia thì ai ăn cho được . Thế là anh chàng nổi đóa, rút ngay cái xe điếu vút vào lưng vợ đánh đet một cái, tay đánh vợ miệng mắng:
- Ngu gì ngu lạ ngu lùng . Canh kiêu là canh nấu bằng củ kiệu chứ ai lại nấu bằng mùn gỗ long sơntừ cái hương án ra cho chồng ăn bao giờ ấy nhỉ ? Thế bu mày chỉ biết có kiệu là cái kiệu ơ đình làng thôi ấy à?
Chị vợ ấm ức vì bị đòn chồng và lại tiếc công mình nấu bát canh
mà còn chê, bèn cãi:

- Người ta canh kiệu thì ngon
- Tôi canh hương án thì đòn vào lưng..hu hu hu !! Người ta bảo tôi là hễ thầy nó cứ ăn hết bát canh hương án này xong là thế nào cũng phải ra...Thủy Tinh Cung cho cá tra nó đang Cầu khẩn đấy. Nên cái món sau gọi là Thủy Tinh Cung Cầu. May mà tôi chưa học thêm chứ nếu ...thì chắc bị đòn đến văng cả bác ra ấy nhỉ ?
Theo chính sách của bác Hồ và đảng thì chẳng còn ai xứng đáng để ngồi lên kiệu cả nên cái kiệu thường để ở đình làng đã bị phá ra làm củi thiêu chó bữa tiệc đãi cán bộ cao cấp về làng mất rồi. Cái hương án sở dĩ còn lại chắc là để dành bữa nào ăn khao nếu các quan chức Trung Quốc chịu nhận làm lễ đốt con cái ghẻ đem về nước. Người Băc hay gọi con cái ghẻ nay là ghẻ Tầu. Hương án còn lại nên chị cán ngố mới có dịp cạo mùn ra mà nấu canh thay thế cho kiệu .
Thực ra thì hương án to hơn kiệu là cái chắc thế mà sao canh kiệu lại ngon còn canh Hương Án thì đòn vào lưng? tôi thực chưa hiểu . Còn như tôi chưa ăn canh kiệu mà cũng chẳng bao giờ muốn nấu canh hương án cho chồng ăn cả nên chẳng biết làm sao có món Thủy Tinh Cung mà cá tra vẫn nhốt riêng một cầu...chơ các Tiên, Sư, và Cha nhà bác Hồ chỉ dùm dẫn giúp !
Còn như theo lời bà ngoại tôi chỉ dạy thì món Thủy Tinh Cung Cầu chả có gì lạ cả mà chỉ là một cái tên đặt cho món Thịt Đông nấu bằng chân giò lợn(heo) đổ vào trong một cái bát tạo ra hình tròn rồi khi đem bầy trên mâm cỗ bà bảo đem hai cái bát úp vào với nhau trưng trên đĩa sâu lòng sẽ tạo ra hình tròn như quả địa cầu và chất chong, dẻo của gân và bì sẽ cho ta cái cảm giác là chúng ta sẽ dùng nguyên một quả địa cầu bằng thủy tinh làm món ăn trong bữa. Món này thường ăn với dưa cải muối chua có màu vàng để hòa hợp chất béo và chất rau đưa chung vào khẩu vị món ăn bình dân vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

22.7.08

Căn nhà ngoại ô (nhạc)



Lụa làng Trúc (*)vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình cùng với chữ duyên
Áo em sẽ bạc, lời nguyền chẳng phai
Một lời đã nguyện cùng ai
Đá Mòn Sông Cạn chẳng sai tấc lòng
Xa quê dẫu cả muôn trùng
Tình quê cũng vẫn đượm nồng ai ơi
Gái Quê
(*làng Trúc bạch gần bên hồ Trúc bạch chuyên dệt lụa dùng đẻ may áo tứ thân cho các cô thôn nữ quanh miền )

Cô hàng chè xanh ( nhạc)




Nhất đẹp là gái Bắc Ninh
Thế nhưng vẫn kém người tình cuả ta
Nhất thơm là nụ hoa trà
Mà môi em ngát hơn là nụ hoa
Hỡi người em gái phương xa
Vì em đổi cả sơn hà cũng cam.
Gái Quê

Cô hàng cà phê (nhac)


Đây chút tình gửi Huế


Đây chút tình gửi Huế.


Nắng chiều cuối nẻo chân mây
Mặt trời chìm khuất rặng cây sau đồi
Hồn thơ theo áng mây trôi
Mộng tàn phai chốn quê người vút xa

Lâu rồi , mấy chục năm qua
Nửa vòng trái đất là xa thật rồi
Nhớ về Huế rất thầm thôi
Gợi trong nỗi nhớ và người rất thân

Ngự bình vẫn cứ như gần
Hương giang một dải lụa ngần trắng bay
Tràng tiền như một áng mây
Đông ba, ,Gia hội những ngày mờ qua

Chùa Thiên Mụ nắng chan hòa
Cổng trường Đồng Khánh thoáng tà áo bay
Quốc Học chờ đón bên đây
Dáng hồng những đóa sen gầy Tịnh Tâm

Văn Lâu những sáng mưa rầm
Trong em nỗi nhớ vẫn thầm về anh
Và cho Huế rất chân thành
Em yêu mãi Huế và anh nhất đời .

Xin anh hiểu giúp em thôi
Đây tình gửi Huế của người tha hương.

Ngọc Bích

Chân trời quê hương



Quê Hương tiếng vọng ngàn khơi
Sông Hồng ,núi Tản vang lời trên không
Hương Giang , núi Ngự vẫn cùng
Cửu Long , Hòn ngọc viễn đông muôn đời
Đá mòn nước chảy, hoa trôi
Riêng em lòng gửi chân trời Quê Hương

Ngọc Bích

Ta aó tím


Bà Mẹ Quê


Mẹ
Viết cho mẹ

Mẹ tôi khác hẳn mọi người
Xem thuòng thua thiệt, vẫn cười hồn nhiên
Mẹ quên bao nỗi ưu phiền
Xemï nguồn vui tưới đầy hiên hoa quỳnh

Với con mẫu mực ,hy sinh.
Với chồng mẹ rất tận tình thủy chung
Với bè bạn mẹ vô cùng
Ví như cây bách, cây tùng ,mái hiên

Phải chăng tính mẹ dịu hiền
Kính trên, nhường dưới ai phiền mẹ đây?
Mẹ thương con, cháu hàng ngày
Như hoa lá với cỏ cây duói trời.

Chẳng bao giờ thấy mẹ lười
Mẹ thuòng giúp đỡû mọi người gian nan.
Anh ,Em cho đên họ hàng,
Ân cần tỷ muội , gắn hàn khó khăn

Yêu thơ mẹ sâống kiếp tằm
Nhả tơ kéo kén mẹ dăng tơ vàng

21.7.08

Ngày xưa Hoàng Thị



Nhac Phạm Duy
Tiếp với thơ Ngọc Bích.

Nụ hôn đượm chất men say
Tưởng chừng ướp rượu cho ngây ngất hồn
Cánh môi tẩm ngọt nụ hôn
Son môi hay cả cõi hồn thơm hoa
Mây chiều nhè nhẹ trôi qua
Tóc em trong ánh nắng tà bay theo
Buồn vương nhạt cánh hoa bèo
Cuốn theo triền sóng sông reo lặng buồn

Tiếng lòng.



Một đóa hoa thơ dưới nắng chiều
Thoảng đưa trong gió chút hương yêu
Gửi về bên ấy cùng mây trắng
Một tiếng tơ lòng vọng tiếng tiêu

Dôi vần đáp lại của Bùi Tiến




Cảm ơn người đã họa thơ
Cảm ơn người chẳng làm ngơ chân tình
Từ nay xin chớ làm thinh
Lâu lâu xướng họa tạo tình thân thương
Làm anh nên phải làm gương
Còn Em...Em Út tầm thường sá chi
Còn anh Buì Tiến nữa thì...
Anh Thành Tài Nguyễn sao kỳ vậy ta ?
Trả lời cho Gai Quê nha
Đã từ lâu quá chưa ...là hoỉ thăm
Đôi hàng to nhỏ thì thầm
Hỏi mấy huynh vẫn mạnh ....ầm như voi ????
Gái Quê.

Đôi vần đáp lại

Lời quê thăm hỏi rạch ròi
Lòng quê ngăn ngắt tím trời một phương.
Tình quê thoáng chút vấn vương
Nặng lòng khách sống tha hương những ngày

Bùi Tiến

CHẲNG CHÚT BUỒN




Kính thưa chư huynh tỷ đệ muội thân ,

Lạc Hoa Lưu Thủy có chi buồn ?
Lặng lẽ dòng đời cứ chảy tuôn
Tiểu nga ~ sẽ hoà cùng đại ngã
Nên vui khi được trở về nguồn


CHẲNG CHÚT BUỒN


Bài họa của Đỗ Quý Bái

Đầu non ,hé cửa vén màn sương
Ngắm cặp sóc con giỡn giữa đường
Lắng tiếng thông reo lời thủ thỉ
Im nghe suối kể truyện yêu thương

Lòng sao khoan khoái không sầu hận
Dạ thực an vui chẳng chút buồn
Thả hồn bay bổng theo mây trắng
Thế thái nhân tình hết mắc vương

Hội Bút rủ nhau về họp mặt
Cho tình bằng hữu ngát thiên hương

LTĐQB
Bài họa của Đỗ Quý Bái


Bài Xướng của Ngọc Bích
CHỢT THÓANG BUỒN
Hôm nay trời bỗng phủ đầy sương
Lá rụng hoa bay tím nẻo đường
Ngõ cũ hương dâng ngàn nỗi nhớ
Đường xưa chất ngất vạn niềm thương

Đôi chim vội vã tìm về tổ
Vài khách tha hương chợt thoáng buồn
Tím ngắt không gian mây lãng đãng
Vàng thu hiu hắt nắng còn vương

Dám hỏi những ai nơi viễn xứ
Lòng nào quên được dấu quê hương?
Ngọc Bích

Tình khúc cho vừa nhớ thương




Mơ màng giữa nhớ và quên
Quê Hương còn mãi một niềm dấu yêu
Ước gì, chỉ mỗi một điều
Trở về quê cũ một chiều , Sơn tây
Người thơ Quang Dũng và đây
Cùng người xa xứ lưu đầy gió mưa
Tản Đà trong những bài thơ
Hoàng Cầm sông Đuống nước chưa vơi đầy ?
Những đồi sim tím còn đây
Hữu Loan với cả tháng ngày xa xưa
Mây bay trắng mấy từng mây
Nhạc vào thơ cảnh in đầy dáng xưa
Bàn tay lướt nhẹ phím tơ
Văn Cao Tình Khúc cho vừa nhớ thương.

Ngọc Bích,

Màu quê hương




Tóc xanh giờ bạc như mây
Vườn thơ hoa gấm vẫn đầy gấm hoa
Sắc màu thơ vẫn chan hòa
Tím niềm nhung nhớ, phai nhòa màu xanh

Đỏ tươi màu trái tim anh
Vàng hoa cúc thuở thanh bình quê xưa
Trắng như mây buổi ban trưa
Hồng vui màu áo tuổi vừa mộng mơ

Lam bay khói tím sân chùa
Nâu như màu áo ni cô hiền hòa
Đen như màu tháng tư qua
Màu tang thương khắp quê nhà bảy lăm.

Thế rồi qua mấy chục năm
Mà Quê hương đã xa xăm biển sầu
Thắm tươi màu cuả cau trầu
Vững vàng vôi quyện đậm sâu tình nồng

Giang sơn ai cũng chung lòng
Bản đồ chữ S bên vòng đại dương
Rất hiên ngang rất quật cường
Là màu sắc của con đường về quê

Một lòng cùng ước được thề.
Một ngày chiếm lại miền quê thanh bình

Hình dung chữ S mờ trong nắng


.

Em bước âm thầm ngắm cụm hoa
Và vầng đông sáng cuối trời xa
Hình dung chữ S mờ trong nắng ,
Trên bản đồ nơi quê chúng ta.

Mơ thấy ta về lúc chớm thu
Miền quê rực nắng , hết sương mù.
Tung tăng lối ngõ nhiều em bé
Dưới mái trường vang bản quốc ca.

Nghe vẳng lời ru vọng trước thềm
Để lòng chợt thấy đắng cay thêm
Mới hay và nhủ rằng : em đã
Mơ thả hồn em tới một miền.

Miền xa vang tiếng sáo diều êm
Có vầng trăng sáng biết bao đêm
Traỉ bao mưa nắng về phương ấy

16.7.08

Mãi còn Việt Nam



Mênh mông này đất này trời
Người thơ áo trắng, cuộc đời phù sinh
Gửi nhau lại một chút tình
Nghiêng nghiêng vành nón em xinh muộn màng

Vật vờ cánh bướm bay ngang
Tưởng như con hạc rộn ràng nẻo xa
Quên rồi mười ngón ngọc ngà
Tưởng như còn mấy mùa hoa nửa vời

Chưa là góc bể chân trời
Đã nghe thu lạnh để tôi mong về
Núi rừng còn đó lời thề
Mùa hè rộn mấy tiếng ve quanh trường

Tưởng như gió có mùi hương
Mới hay thơm mãi tuyết sương buổi chiều
Khó làm sao nói chữ yêu
Trên lầu Ngưng Bích cô Kiều ngày xưa

Tự nhiên trời lại đổ mưa
Tiếng chuông chùa cũ đã mờ hoàng hôn
Mang mang hồn ngẩn ngơ hồn
Ta còn chữ tín vì còn Việt Nam.

Hà Thượng Nhân

Nỗi sầu nhiều tên


Có ai nghe tiếng thơ điên
Phút vui thuở ấy làm phiền mãi nhau
Tìm người người biết ở đâu
Quê hương hai tiếng bền lâu chưa hề

Vui về mình cứ không về
Tạm dung cõi ấy gần kề quê huơng
Dầu đi muôn vạn dặm đường
Vẫn còn thơm mãi mùi hương chốn này

Tấc lòng năm cũ còn đây
Tìm đâu lại bóng hàng cây bên lầu
Cỏ xanh vàng tím muôn màu
Kể làm sao được nỗi sầu nhiều tên

Của thu viết ở ngoài hiên
Tưởng như đang giữa cô miên giấc nồng
Người về có thấy gì không
Chỉ trong gió nỗi lạnh lùng mỗi năm !

Ngọc Bích

13.7.08

CHÚT VẤN VƯƠNG


( Bài họa cuả nhà thơ Tụê Quang )
Từ không gian tỏa kín mù sương,
Bướm biếng vờn bay nhạn lạc đường,
Hiu hắt gió chiều khơi tiếc nhớ,
Cỏ cây chừng cũng nhuốm sầu thương .

Người xót quê nhà , chim luyến tổ
Thềm hoang nghe vẳng điệu thu buồn.
Tim khua lỗi nhịp , hồn lơ đãng
Vang vọng mơ hồ chút vấn vương.

Trót đã phiêu bồng thân lạc xứ,
Thôi đành đất khách sống tha hương !

Tuệ Quang Tôn-thất Tuệ

12.7.08

Chợt thoáng buồn




Hôm nay trời bỗng phủ đầy sương
Lá rụng hoa bay tím nẻo đường
Ngõ cũ hương dâng ngàn nỗi nhớ
Đường xưa chất ngất vạn niềm thương

Đôi chim vội vã tìm về tổ
Vài khách tha hương chợt thoáng buồn
Tím ngắt không gian mây lãng đãng
Vàng thu hiu hắt nắng còn vương

Dám hỏi những ai nơi viễn xứ
Lòng nào quên được dấu quê hương ?

Vạn cổ sầu




Người cũng như ta , bạc mái đầu
Đã qua , đã trải cả thiên thâu
Nhìn hàng phượng tím hoa cùng lá
Nhuộm thẫm niềm đau quốc hận sầu.

Ngoc Bich

6.7.08

Nhớ người



Em ngồi đếm những vì sao
Mà xa xôi quá nên nào thấy nhau
Chỉ còn chất ngất niềm đau
Xa nhau nên nhớ ,em sầu đếm sao
Phải chi trời ...chớ có cao
Để em với một ngôi sao tặng người
Thế rôi sao lặn, mây trôii
Một ngôi sao sáng nhất đời...là anh
Ngôi sao sáng của trời xanh
Riêng em nỗi nhớ về anh ngút ngàn

Nhặt cánh hoa rơi




Nhặt hoa rụng bỗng dưng buồn
Tím hoa phượng những nẻo đường tôi qua
Như ngày tháng đã xưa xa
Tuổi thơ , kỷ niệm thoáng qua mất rồi

Chỉ hình dung lại một thời
Nón bài thơ trắng khung trời mộng mơ
Sàigòn của những ngày xưa
Sàigòn của những thuở vừa biết yêu

Sàigòn nắng sớm mưa chiều
Và còn của những bao nhiêu ân tình
Đến giờ tóc đã thôi xanh
Người ngày xưa đã trở thành cố nhân

Nhưng sao lòng vẫn rất gần
Thơ ai reo mãi những vần ly hương
Chắc rằng người ấy còn thương
Lòng còn nghĩ đến con đường dầm mưa

Còn thường hát những bài xưa
Và còn mãi chút tình chưa phai nhòa?

5.7.08

Lòng mềm với thơ


Nhớ anh, nỗi nhớ ngất ngây
Nhớ từ những tháng những ngày bên em
Anh xa cuộc thế bon chen
Mình em còn lại lòng mềm với thơ

Nhớ anh nhớ đến dại khờ
Biết bao giờ ? Đến bao giờ gặp nhau ?
Đếm từng sợi tóc phai màu
Tóc mau bạc trắng mà sầu chậm phai.

Xa nhau, thật đã xa rồi
Hẳn rằng đến kiếp luân hồi gặp ư ?
Thế nên còn chút tâm tư
Đôi dòng thơ đốt, dòng thư về người

Khói cay mắt, mặn bờ môi
Có hay chăng nhỉ, ôi thôi một ngày
Giỗ anh tháng bảy năm nay
Hai con số bảy một ngày nghiệt oan.

Biết rằng từ cõi thiên đàng
Anh nghe được tiếng em than không nào ?
Trời xanh , mây trắng bay cao
Hôm nay ngày giỗ nôn nao nhớ người.
Ngọc Bích

Chiếc nón nghiêng che




Mây có bay đầy trên đó không ?
Và em bên bến đợi ai cùng
Dừng chân trong nắng chiều êm ái
Chiếc nón che nghiêng mái tóc bồng

NgọcBích

Đường xưa.




Em vẫn là em dẫu nắng mưa
Tuổi ngọc ngà qua với những mùa
Đường xưa áo mỏng bay trong gió
Lướt nắng thu vàng đã quá trưa.

Ngọc Bích

Tìm em



Em gái Trưng Vương ở những đâu?
Có còn thương, nhớ nghĩ về nhau?
Bạn bè từ những ngày xưa cũ ?
Tóc bạc , lòng ai có đổi màu ?

Ngoc Bích

Gọi em.




Hỡi người em gái của Trưng Vương
Chân bước đi trên những ngả đường
Mưa nắng thời gian mờ xóa hết
Vẫn còn đôi nét thoáng quê hương .

Ngọc Bích

Hè về nhớ anh.




Mội độ hè sang hoa phượng tím
Làm cho lá úa nhạt dần thôi
Nhớ anh, em vẫn thầm nhung nhớ
Nghe tím trong lòng , mặn cánh môi.
Ngọc Bich

Cùng vui bên gốc hoa





Hò hẹn nhau cùng dưới nắng say
Buổi trời trong sáng tím hoa bay
Chung vui bên gốc hoa ngày ấy
Quên cả không gian với tháng ngày

Nào hãy cùng nhau góp tiếng cười
Môi hồng càng thắm, tuổi càng tươi
Xoá niềm cay đắng đời hư ảo
Hoa tím ta cùng chung mãi vui.

Ngọc Bích

1.7.08