29.4.13

Người Mỹ gốc Việt và người Việt gốc Mỹ

                                                                                  
                                        Tổ Quốc Việt Nam trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương    
                                         Lễ giỗ Tổ Hùng Vương với bánh chưng bánh dầy     
 Ngày giỗ Tổ cũng được trưng dọn rất nghiêm kính tại tư gia con dân Việt ở hải ngoại
                                                                                 
Con dân nước Việt trong lễ dâng hương
Những hình ảnh của con dân Việt Nam trong ngày đại lễ
Chị em trong ban Mây Ngàn Phương chung vui
Những bài ca tiếng Việt do chị em MNP cùng hát
Vui trong ngày lễ bên nhau
Nhưng không quên thăm người bạn già trong viện dưỡng lão
Lão Nông Võ Toàng cùng với anh chị em trong hội Diên Hồng
Các chàng trai lính chiến dưới lá cờ quê hương mà các anh đã từng phục vụ và bảo vệ
Cùng các chị em phụ nữ con cháu hai vị Nữ anh hùng dân tộc
Trưng Nữ Vương ngàn thu anh hùng tên còn ghi sông núi
NGƯỜI VIỆT GỐC MỸ
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon.
Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá.
(Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”.

Tôi biết Mike khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi "bất hoặc".
Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách.
Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer... .
Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật đèn lên cho ông liền....
Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ:
- Ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!!
Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike.
Anh vỗ vai tôi:
- Ê, bạn người gốc nước nào?
- Việt Nam.
Mike bật đứng dậy, bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt đặc sệt giọng miền nam:
- Đ.M. nãy giờ sao hổng nói?
- Ủa, anh biết tiếng Việt hả?
Mike vênh mặt lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt:
- Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!!
Không ngờ trong bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng Việt họ còn nhớ lõm bõm:
- Chòi đắt ui (trời đất ơi)
- chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi)
- Con gái Viết Nàmdde.p lám (con gái VN đẹp lắm)
- Ngùi Viết Nàmtót lám, đi đi mao, đin - kí đàu (người VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu !)....
Riêng Mike nói tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu lâm.
Tôi đã gặp một nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi "Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy" Anh trả lời tỉnh bơ "Tôi người Bắc !".
Tôi cũng đã gặp một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ.
Còn Mike, anh nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?) hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân !
Vợ tôi vẫn thích kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi không thích mặc áo..vv và vv ... tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!!
Một đêm hội ngộ tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày sống kiếp lưu vong.
Một tuần sau, Mike điện thoại mời tôi đến nhà.
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt theo truyền thống Việt Nam và tự nhận là người VN. Mike nói: đúng ra tôi là người Việt gốc Mỹ! Người bản xứ khi nghe tôi giới thiệu là người VN, nói tiếng VN thì họ vui lắm, vài người lúc đầu cứ tưởng nước VN ở đâu đó bên Đông Âu nên mới tóc vàng, mắt xanh!
Người gốc VN lại tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ "vui cả làng"!
Cả gia đình dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính.
Sống trên đất Mỹ, Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn phạm....hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá.
Lại có cả vài người viết văn, nhiều chữ thông thường không biết, hay giả vờ không biết, lại phải dùng tiếng Anh mới thấy dổm làm sao.
Tôi rất khâm phục những gia đình còn giữ vững truyền thống tốt đẹp VN. Tôi thấy những em bé VN thật dễ thương với tiếng Việt líu lo như chim hót nhưng tôi nhìn các em với cặp mắt bình thường nếu các em nói tiếng Anh, thật bình thường vì đây là nước Mỹ, sau này khi lớn lên phải học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, họ sẽ hối hận. Tiếc quá, Mike chặt lưỡi, lập đi lập lại, tiếc quá !!
Anh có biết "bà lang kẹt" là ai không? Thế mà một ông VN đã tuyên bố tự nhiên như người Sàigòn, vào mỗi mùa Đông, trên giường của ông phải có ít nhất hai bà lang kẹt ngủ mới đã, mới đủ ấm !?!?
Mai Liên, vợ anh, một sinh viên Đại Học Cần Thơ sinh quán Sóc Trăng.
Hai người quen nhau khi Mai Liên đi học thêm Anh ngữ trong một lớp do chính Mike phụ trách phần đàm thoại và luyện giọng. Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì gia đình hai bên đều không tán thành.
Mike phải xin trở lại Việt Nam lần thứ hai, kiên trì thuyết phục cha mẹ Mai Liên bằng chính tiếng Việt anh đã học được từ người tình. Cuối cùng không những cha mẹ, anh chị em của Mai Liên mà cả bà con xóm giềng cũng hài lòng với "thằng Cồ" vui tánh dễ thương lúc nào, nơi nào cũng pha trò được.
Riêng gia đình Mike lúc đầu vẫn chưa mấy thiện cảm với người dâu dị tộc. Hai vợ chồng son cố gắng sống hòa hợp với mọi người, không tỏ ra khó chịu mà còn thấy vui vui với cái tên Liên vài người cố tình đọc trại thành Alien (=người lạ).
Chẳng bao lâu sau tình thế hoàn toàn đảo ngược. Khi cha mẹ Mike dọn vô nhà dưỡng lão chỉ có vợ chồng Mike thăm viếng thường xuyên.
Ông bà rất cảm động, thỉnh thoảng lại công khai ngỏ lời xin lỗi Mai Liên và giới thiệu với mọi người Liên là đứa con gái yêu quý nhất.
Bốn gia đình anh chị của Mike tan vỡ hết ba, sự kiện phổ thông với trên 60% gia đình Mỹ bị rắc rối trong hôn nhân. Cứ một lần li dị lại một lần chia gia tài, riết giống như chuyện thường tình. Tuy nhiên, có điều lạ là sau khi chia tay, họ vẫn liên lạc qua lại với nhau, coi nhau như bạn, không ai ghen tuông gì hết.
“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy (1).
Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi. Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ (2).
Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon, cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy.
Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai Liên, anh đọc lái lại coi?!”
Nghe đến đây chính tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn.
Mike hiện nguyên hình một "chú Sam" há hốc miệng "Wh...what? What d'you say?"
Ngay sau khi dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử.
Mike rất vui mỗi lần nhắc lại giai đoạn này:
tôi sướng như Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh.
Bên Mỹ này anh muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở, một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp, còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của các chủ cũ.
Tôi là cựu chiến binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi.
Năm đầu tiên tôi đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa.
Bên Mỹ này nghe nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì lại đổ thừa "cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh", chưa chắc vậy đâu !
Có rất nhiều gia đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội, xét cho cùng điều này cũng có phần tốt.
Vì vậy, cũng rất công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng thôi!
- Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi.
Một cô gái Mỹ đẹp như tài tử điện ảnh Hollywood tươi cười bước ra, hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, nói bằng tiếng Việt rất chuẩn:
- Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú.
Tôi đứng dậy, Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:
- Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời. Cháu có về VN lần nào chưa?
- Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần. Năm rồi cháu đi VN miễn phí.
- Sao vậy?
- Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén !
Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ ghê!!
Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá, về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay.
Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi !!
Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.
- Liêm là ai?
- Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.
- Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ William không?
- Dạ đúng
- Thế anh cháu thích tên nào?
- Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người con.
- Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi.
- Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực... còn Liêm là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm.
Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối.
Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải sống thanh liêm.
- Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa?
- Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Iraq. Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại.
- Anh Hai có biết tiếng Việt không?
- Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang tầm với Ba cháu ...
Mike ngồi nghe tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười.
Tôi thật sự cảm động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ như vậy... chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Có lần, vừa bước vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với chữ: "No Vietnamese!" tôi ngập ngừng, hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy theo đon đả.
Tôi nuốt nước miếng cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi trong phòng đó nói tiếng Việt ?
Anh ta phân bua: tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!?
Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông hiểu nó thế nào?!?!
Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới chấm dứt. Bây giờ ông treo "No Vietnamese" trong phòng khách nghĩa là làm sao?!?!
Ông ta gỡ bảng xuống liền.
Ông bà này nghe nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xue, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác.
Bên này cả hai ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục nên rất ít nói tiếng Việt.
Riêng dân Mỹ hay người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc là "dân địa phương" Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô (3).
Nhưng thôi, đây là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng.
Mike thường nói đùa với tôi "coi dzậy chứ hổng phải dzậy mà còn quá cha dzậy nữa" khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện nay.
Cứ nhìn vô gia đình Thống Đốc Tiểu Bang California: Ông chồng Schwarzenegger thuộc đảng Cộng Hòa trong khi bà vợ lại theo Dân Chủ. Khi làm việc, hai đảng kiểm soát lẫn nhau như vợ theo dõi chồng, như chồng để ý coi chừng bà vợ.
Nhưng khi có những sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia, đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả, tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững, từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường, vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!
Đấy, Mike hướng dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện.
Chúng tôi ngày càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ.
Nhờ vợ chồng Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa.
Cho đến một ngày... Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào.
Một anh Mễ nhập cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt cỏ.
Toán cấp cứu phải cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá mạnh và vì vết thương quá nặng....
Lại thêm một nhức nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp... lại thêm một vết đen tệ nạn say rượu, say xì ke lái xe DUII (4) ngày càng nhiều....
Tang lễ thật đơn giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên.
Cháu Uy Liêm được thông báo từ Iraq về để vừa kịp nhìn cha mẹ lần cuối trước khi đóng nắp quan tài.
Trời Oregon chiều nay mưa buồn day dứt. Nghĩa trang Finley Sunset Hills với những dốc thoai thoải quay về hướng Tây, về hướng Thái Bình Dương mà tận cùng bên kia bờ có một vùng đất mang tên VN, quê hương yêu dấu của Mike và Mai Liên suốt cả đời người. Gió buốt miên man như xoáy sâu vào tận xương tủy. Như chưa bao giờ.
Vài tia sáng yếu ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay, cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Ít nhất về vật chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song, cùng nhìn về quê hương VN tít mù xa thẳm cuối chân trời.
Riêng tôi lòng trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa.
Trong suốt cuộc đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang
hồ đó đây, hình ảnh tươi vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.

Cám ơn Michael Erickson. Cám ơn Mai liên Trần.
Xin tạm biệt.
NGUYỄN THẾ THĂNG


27.4.13

Người lính Nghĩa Quân trong tim tôi.

Người lính Nghĩa Quân trong tim tôi.
Nguyễn Thanh Thuỷ
Năm tôi được 10 tuổi, gia dình tôi bỏ ruộng vườn vào ở trong khu Ấp chiến lược, được bao bọc bởi một vòng thành kiên cố có kẽm gai, có hào sâu chung quanh. Ở hai đầu ấp có hai cái đồn nghĩa quân nhỏ. Ba má tôi thỉnh thoảng trở về nhà làm ruộng, gặt lúa ban ngày, rồi ban đêm vào xóm ở. Ấp Chiến lược là một công trình chiến lược dùng để cô lập Việt Cộng ra khỏi dân chúng. Việt Cộng hay trà trộn trong dân và bắn giết dân chúng, quân lính Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc nầy VC bắt đầu nổi dậy mạnh ở miền Tây, thâu thuế, giết hại dân thường, ám sát Xã trưởng, Ấp trưởng của VNCH gây kinh hoàng cho dân chúng, gây mất ổn định cho xã hội miền Nam đang sống trong thanh bình. Họ bịt mắt, chặt đầu hay chôn sống bất cứ người nào họ nghi ngờ là đang cộng tác với chính quyền VNCH. Khu ấp chiến lược tôi ở được bảo vệ bởi một trung đội nghĩa quân, gồm có 3 tiểu đội. Các chú lính hay ở trong đồn còn vợ con họ sống trong các căn nhà nhỏ trong xóm. Nhà tôi ở gần nhà ông Tiểu đội trưởng, tôi kêu là chú Tấn.

Canh giử xóm làng.
Lúc mới vào ấp tôi chỉ là một đứa con gái nhỏ quê mùa ngơ ngác. Nhưng lần lần tôi cặp bè bạn chơi với mấy đứa bạn, gái có, trai có, lớn tuổi, lanh lợi hơn, tôi học được nhiều thứ mới mẻ . Tôi biết cả tên cây súng nào là cây Carbine, cây nào là Garant, Thompsom, cây nào là cây súng phóng lựu .
Tôi biết tên hầu hết các chú lính nghĩa quân trong tiểu đội của chú Tấn, nào là chú Tường, chú Sanh, chú Đúng, chú Quít, chú Mực ... Các chú rất hiền và chú nào cũng nghèo. Bộ quân phục được các bà vợ vá nhiều chổ. Tôi hay lân la đến nhà các chú chơi với con của họ. Với đồng lương nghĩa quân khiêm tốn, các chú ăn uống rất đạm bạc, thường là cá linh, cá lòng tong kho, với rau lang luộc hoặc chút ít canh bí, canh bầu . Hầu như chú nào cũng có vợ và vài ba đứa con. Khi rãnh rỗi tôi thấy các chú hay giúp việc nhà cho vợ buôn bán chút đỉnh kiếm thêm tiền. Có chú giữ con cho vợ ngồi bán rau ngoài chợ. Có chú xay bột cho vợ làm bánh tầm, bánh bò bán cho dân trong xóm .
VietSu
Một người lính bộ binh trẻ.
Chú Tấn còn trẻ, nhưng ít nói . Thím Tấn là một người đàn bà hiền lành, có đôi mắt đẹp, to và dễ khóc Chú hay xay đậu nành làm thành bánh đậu hủ cho thím ủ chao, ủ tương, rồi thím đem bán vào những buổi chợ rằm, chợ ba mươi cho người ta ăn chay . Chú thím Tấn có hai đứa con . Thằng Dũng được 6 tuổi, con Lan 3 tuổi . Khi bận bán tương, chao , thím Tấn hay gởi 2 đứa nó nhờ tôi giử dùm . Tôi hay chơi đùa và coi chúng nó như em. Tụi nó cũng rất thương tôi .
Rất ít khi dân trong xóm gặp các chú nghĩa quân ra đi hành quân, các chú lặng lẽ ra đi khi trời sụp tối để giử bí mật . Họ âm thầm canh gác đâu đó dọc theo bờ thành ấp chiến lược, sáng sớm mới trở về. Họ đi về im lặng như những cái bóng mờ . Có những sáng tôi hay gặp các chú trở về, thường thì chỉ có cái áo khô, quần các chú ướt đẫm, sình bùn lên trên đùi. Các chú thường đi dép hay đi chân không, chẳng mấy ai có được đôi giầy .
Có khi đang đêm, tôi nghe súng nổ dòn giả . Sáng hôm sau các chú lính quen thuộc mang về hai cây súng chiến lợi phẩm của VC cùng với vài trái lựu đạn . Các chú kể cho mọi người trong xóm nghe là đêm rồi một toán VC băng qua ruộng phá hàng rào định đột nhập vào ấp chiến lược thu thuế và bắt dân đi làm dân công, qua sự hướng dẫn của một tên giao liên là người trong ấp. Các chú bắn chết hai tên, thây còn bỏ ngoài bìa ấp . Chúng tôi rủ nhau đi coi xác VC. Có lần các chú bắn chết cả một xuồng VC đang băng qua sông . Nhờ các bác ghe chài vớt lên, được nhiều súng . Sáng hôm sau ông Quận trưởng bất ngờ đến đồn nghĩa quân xóm tôi, khen ngợi và thưởng tiền mua một con heo quay thật lớn . Các chú được dịp ăn nhậu vui vẽ . Mấy đứa con các chú nghĩa quân cũng hí hửng được dịp ăn thịt heo quay .
Một ngày nọ tôi đi học về thấy cả xóm nhốn nháo lên, mấy thím vợ lính hớt hãi lo lắng. Thím Tấn nước mắt đoanh tròng. Tôi hỏi thì thím cho tôi hay Trung đội nghĩa quân vừa bị tấn công và 2 chú nghĩa quân hiền lành của xóm tôi vừa hy sinh, đền nợ nước. Chú Mực mà tôi quen thì bị đạp mìn VC gảy giò . Thật là một cái tang lớn cho cả xóm tôi . Linh cửu của 2 chú được quàng tại chùa, vợ con lối xóm khóc lóc tỉ tê . Đến chiều thì người ta chôn 2 chú ngoài bờ rào ấp . Một hàng 6 chú nghĩa quân đứng chào trên bờ huyệt . Quan tài hạ xuống, các chú bắn 6 loạt đạn điếc tai . Mặt các chú rất đau khổ, gầm lại khác hẳn các khuôn mặt hiền từ hàng ngày mà tôi thấy .
Vợ con hai chú đòi nhảy xuống huyệt chết theo chồng . Nhiều người phải xúm lại kéo các thím lên, khó khăn lắm mới dẩn được họ về nhà . Bọn chúng tôi và mấy đứa con trai ngày thường hay chạy nhảy, phá phách, la hét, mà giờ cũng đứng im ru . Tôi không biết VC là ai, nhưng tôi lờ mờ hiểu rằng họ là người không tốt, vì họ bắn phá mà gia đình tôi phải bỏ thôn xóm vào đây . Giờ họ còn theo định đột nhập vào cái ấp chiến lược nầy làm chi nữa ?

Lính VNCH hành quân.
Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt . VC bắt đầu tấn công miền Nam ở cấp số lớn hơn. Họ đặt mìn giật xe chạy trên quốc lộ , họ giật xập cầu , bắt dân chúng đi đắp mô cản đường xe chạy . Có khi họ giật mìn chết cả một chiếc xe đò . Nhiều người chết có cả đàn bà và trẻ em, thịt xương văng tung toé . Có lúc họ pháo kích hay đặt mìn giật xập trường học của học sinh miền Nam. Tiểu đội của chú Tấn phải đi kích liên miên. Thím Tấn lo âu thấy rõ . Trung đội nghĩa quân lập được nhiều chiến công . Nhưng các chú nghĩa quân mà tôi quen biết cũng vơi dần . Họ đã âm thầm ra đi như những người chiến sĩ vô danh và trở về im lìm, trong những chiếc chiếu, những cái poncho, trong cái cảnh da ngựa bọc thây .
Rồi cái ngày đau thương của thím Tấn và 2 đứa con dại đã đến Chú Tấn và một chú nghĩa quân nữa hy sinh trong một cuộc đụng độ dữ dội với VC năm 1965. Xác chú được khiêng để trên bộ ván trong căn nhà nhỏ của chú . Khi tôi đi học về , tôi thấy người ta đang tắm rửa thay đồ rồi để một nải chuối lên bụng chú, ngọn đèn dầu leo lét được thắp trên đầu nằm có để một chén cơm và một cái trứng vịt . Đầu chú được băng bông trắng. Máu còn rĩ ra bên màng tang . Vợ con chú vật vã khóc than, đau đớn không thể nào kể xiết. Tôi đến mắm tay 2 đứa nhỏ. Thằng Dũng thỉnh thoảng hỏi tôi “Bộ Ba em chết rồi hả chị ?”. Tôi chỉ ừ, không biết trả lời làm sao !

Lính VNCH dừng quân.
Đến khi chôn chú Tấn, hàng loạt đạn đưa tiễn vang rền. Thím Tấn chết lên chết xuống, bộ đồ tang trắng bê bết bùn sình. Người ta phủ lên cái mã đất của chú Tấn một lá cờ Việt Nam Cộng Hoà thật dài . Bốn phía có cắm bốn lóng trúc có gạo và muối . Tôi phải dẩn con Lan và thằng Dũng về nhà. Nước mắt tôi tuôn rơi. Cuộc sống chúng tôi đang êm đềm hiền hoà , thì tại sao người ta phải tấn công thôn ấp, giết hết người nầy người nọ. Để làm gì ? Miền Nam độc lập tự chủ, có ai chiếm đóng miền Nam đâu, mà phải giải phóng chúng tôi. Cuộc đời dân miền Nam không hạnh phúc, sung sướng gấp chục lần dân miền Bắc hay sao ? Tại sao các người phải giết chú Tấn của chúng tôi để cho cuộc đời mẹ con thằng Dũng từ đó ảm đạm, sa sút hẳn đi. Thím Tấn khóc hoài không dứt ...

Năm sau, gia đình tôi dời đi chổ khác. Tôi ít được gặp lại Thím Tấn, thằng Dũng và con Lan. Năm năm sau, tôi mới được về thăm ấp cũ, tôi mừng rỡ gặp lại thím Tấn và 2 đứa con. Bây giờ ngày nào thím cũng phải ra chợ bán tương chao nuôi con. Thằng Dũng vẫn còn nhớ tôi nhưng con Lan thì không nhận ra tôi nửa.
Sau nầy tôi có dịp tiếp xúc với nhiều binh chủng oai hùng khác của quân lực VNCH, nhưng lòng tôi vẫn còn nhớ về các chú nghĩa quân hiền lành mà tôi đã biết năm nào . Hơn phân nửa các chú đã nằm xuống để bảo vệ làng xóm, quê hương tôi . Số còn lại có người gẫy chân , có người cụt tay, sống đời tàn phế. Việt Cộng đã chà đạp lên Hiệp Định Hoà Bình Paris mà họ vừa ký kết năm 1973, cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975, đưa cả nước xuống 10 tầng địa ngục.

Một cảnh Huynh đệ chi binh, dìu bạn bị thương.
Thân tôi giờ xa xứ xa quê, đã hiểu được ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các anh, các chú quân nhân quân lực miền Nam, thỉnh thoảng tôi nhớ lại các chú lính nghĩa quân tôi quen biết mà thấy lòng thương lắm . Cùng với bao nhiêu binh chủng khác của quân đội, các chú âm thầm lặng lẽ hy sinh, cho dân chúng trong ấp tôi được sống trong yên bình . Các chú đem xương máu ra bảo vệ nền tự do, dân chủ mới được thành hình trên miền Nam yêu dấu .
Các chú đã nằm xuống - bỏ lại con thơ, vợ dại - để ngăn cản bọn quỷ đỏ hung tàn trong công cuộc tiến chiếm miền Nam, áp đặt cả nước trong một chế độ độc tài, hung bạo, không lối thoát . Các chú đã đem sinh mạng, xương máu của mình, để ngăn cản bọn bán nước buôn dân đày đoạ cả dân tộc, và đưa đất nước Việt Nam đi ngược dòng tiến hoá cũa nhân loại . Các chú đã anh dũng hy sinh, ngăn cản bọn CSVN chiếm đoạt đất nước làm tài sản riêng tư cho đảng, rồi tự ý dâng hiến đất đai, hải đảo của tiền nhân cho quan thầy Trung Cộng .


Canh giử xóm làng.
Hởi cô bác, hởi anh chị ơi ! Nếu vị nào may mắn, có cuộc sống bình yên xin đừng quên các chú lính nghĩa quân đang sống đời tàn phế . Xin đừng quên các chú nghĩa quân đã lặng lẽ hy sinh để bảo vệ tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nạm Xin đừng quên vợ con họ , bị bỏ lại sau lưng với cuộc đời đau khổ.
Nguyễn Thanh Thuỷ.
(Bài nầy được viết dựa vào những sự kiện có thật. Vì sự an toàn của một số người còn kẹt lại, tác giả tạm thời không đề cập đến những địa danh và tên người cần thiết trong bài nầy)
__._,_.___

22.4.13

Tháng Tư từ thuở tan hàng

1 (1)-.jpg

 Ngày xưa áo trắng học trò
Giờ đây áo trắng bên bờ đại dương
Chung đôi sánh bước bên đường
Giờ đây hai kẻ tha hương chân trời

Xa rồi áo trắng em, tôi
Xa rồi áo trắng của thời học sinh
Bẩy mươi năm lẻ cuộc tình
Vẫn cùng em đợi bình minh trở về

Qua thời áo trắng tóc thề
Giờ đây áo trắng xa quê, xứ người
Tóc em cũng bạc như tôi
Cả hai cùng tóc rối bời bạc phơ

Gửi về dĩ vãng xa mơ
Những hình ảnh đẹp quê xưa bên trời
Mãi là vang bóng một thời
Chỉ còn hình ảnh hai người nhớ quê.

Vẫn cùng chung ước mơ về
Cỏ bồng lìa gốc, lìa quê xóm làng
Bảy lăm từ thuở tan hàng
Tình Yêu Nước Vẫn rực vàng như xưa.

Yêu Quê Hương mấy cho vừa ơi ai !!!!
                                 Ngọc Bích


17.4.13

Cảm ơn lời cha đã nói

http://files.myopera.com/dakbla/blog/ChaOanh.jpg

Đi ra nước ngoài chứ không phải đi ngoài ra nước

chuyện được kể lại
CHUYỆN ĐỨC GIÁM MỤC KONTUM

http://files.myopera.com/dakbla/blog/ChaOanh.jpg
http://files.myopera.com/dakbla/blog/ChaOanh.jpg



Một lần ngài đi nước ngoài, khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò ngài: “Ông đi nước ngoài nhớ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!”.
Ngài đáp ngay: “Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa”.
Họ ngạc nhiên hỏi ngài: “Sao vậy?”
Ngài cười: “Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?”.
Rồi ngài nói với các ông ấy: “Này nhé, tôi vào nhà ông, thấy ông để tượng Hồ chí Minh với lá cờ đỏ, tôi có bảo ông đem đặt chỗ khác không? Đến nhà người ta ai làm thế. Ở nước ngoài, nơi tôi đến có lá cờ vàng, chẳng lẽ tôi bảo họ đem đi chỗ khác cho tôi ngồi và chụp hình à?”
Ngài nói tiếp, lý luận sắc bén: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?”
“Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?”
Ngài nói thêm, như lời tâm sự, nghe rất xúc động:
“Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi.

15.4.13

Tổ Quốc Ghi Công


Ngày 30 - 4:
                               Tưởng Niệm Việt Nam Cộng Hòahttps://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi2859K_3bv6YHv2Yql_p26dkyl0jIy3VFQB2ACfCczgHYmq_FxpMxRay_lRG7clpvaqwZczruNoLHgP8H7mjnIHFNjUizET2iJE1GKQGCyc8FzV1xw7uW-vp2TDbxfHE0RLOIUtwySHost/s1600-r/Dai+Tuong+Niem+chien+tranh+copy+B.JPG

http://cjoint.com/12fe/BBAsRfUIQps_tlinh.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhaUMBUWq1l_iiNxpv_fwEtWYuudK2zquntFb9Ch49yhn3FFurKxg34k4d5IZJRnlX1jvCmtoDpxDu3HHYm7rkHLWUd1bjRSiH9XrjAqti3nPcOsAYArAD__gE3Fgu-F0-aLkOrnRpKBDA/s400/arvnarmor81.jpg
Đây là những hình ảnh vô cùng thân thương mà hầu như đã lưu lại trong tim óc của
những người Việt Nam yêu Quê Hương Tổ Quốc

Mẹ Ơi, Nếu Con Về

- Mẹ ơi, nếu nay con về quê cũ,
Sẽ thấy gì ngoài một lũ Việt gian,
Luôn hung tàn bạo ngược với dân Nam,
Lại hèn nhát cắt giang san dâng giặc ?
 Bao thế kỷ chống kẻ thù phương Bắc,
Cha ông ta hằng nếm mật nằm gai,
Có ngờ đâu chỉ mấy chục năm dài,
Đất nước đã mất vào tay Tàu đỏ.
     
- Dân tộc Việt trải qua ngàn sóng gió,
Có khi nào khốn khó thế này đâu.
Nếu con về chứng kiến cảnh bể dâu,
Con sẽ phải thét gào vì uất hận.
Con sẽ thấy, từ sau ngày mạt vận,
Một quê hương phá sản tận cội nguồn,
Một lũ người bại hoại đến buồn nôn,
Một xã hội đã chôn vùi nhân tính.
Trẻ chẳng được dạy điều ngay lẽ chính,
Tóc chưa đầy, hồn đã dính bùn đen.
Bậc cha ông đầu độc tiếp con em,
Ba thế hệ giong thuyền len bến ác.
Đám sài lang khắc bạc,
Đạn lên nòng, áp đặt xuống đầu dân,
Một chế độ phi nhân,
Một guồng máy rặt toàn quân khủng bố.
Con sẽ thấy công an dàn nghẹt phố,
Chúng hăng say đi bắt bớ dân lành.
Và chỉ vì mảnh đất chúng rắp ranh,
Sẵn sàng giở thói súc sanh của đảng.
Con sẽ thấy những đường dây xuất cảng,
Mà món hàng, thật cay đắng con ơi,
Là những người gái nhỏ tuổi đôi mươi,
Thân xác bán, nổi trôi gì cũng mặc.
Con sẽ thấy bầy ranh con nứt mắt,
Tung tiền như cây rắc lá rừng thu,
Trong khi dân đỏ mắt kiếm từng xu,
Tương lai mãi mịt mù như mộng ước.
Con sẽ thấy những người dân yêu nước,
Chỉ vì lòng căm phẫn trước ngoại bang,
Cất cao lời bảo vệ mảnh giang san,
Mà bị chúng đem bắt giam hàng loạt.
Con sẽ thấy một quê nhà tan nát,
Bọn Tàu phù ào ạt kéo nhau sang,
Rồi ngang nhiên xây phố với dựng làng,
Cấm dân Việt chàng ràng vô địa hạt.
Con cũng sẽ ngậm ngùi nghe tiếng hát,
Tiếng tụng kinh, tiếng lần hạt Mân côi,
Tiếng gông cùm... từ ngục tối xa xôi,
Ngày đêm vẫn liên hồi vang vọng lại.
Chúng to miệng rêu rao câu hòa giải,
Nhưng thẳng tay sát hại kẻ thù xưa,
Dù từ lâu họ thất thế sa cơ,
Trơ trọi giữa ván cờ tàn nghiệt ngã.
Trên xuống dưới, toàn lưu manh dối trá,
Chốn làm quan, bằng cấp giả ê hề,
Chỗ học hành, cũng gian lận chán chê,
Khắp cả nước, chỉ thấy "Nghè" với "Cống" !
Chẳng còn chút mảy may nào hy vọng,
Khi bao lâu giặc Cộng vẫn cầm quyền,
Khi dân mình vẫn thống khổ triền miên,
Khi đất nước còn xích xiềng nô lệ.
Con của Mẹ, khoan trở về con nhé,
Vì quê mình nước mắt sẽ còn rơi.
Đừng góp phần nuôi sống lũ đười ươi,
Hãy tranh đấu để đợi thời cơ tới.
Đừng ham danh ham lợi,
Mà mắc tội với non sông.
Cũng đừng nghe chúng dụ dỗ xiêu lòng,
Về "du lịch" hay vướng tròng "từ thiện".
Hãy nhớ đến những đêm liều vượt biển,
Những kiếp người tan biến dưới đại dương,
Những tiếng than kêu cứu giữa đêm trường,
Những dòng lệ đau thương còn lã chã.
- Nhưng thưa Mẹ, nếu Trời làm phép lạ,
Cho quê hương lại tỏa ánh Cờ Vàng,
Cho bốn vùng hết sạch bóng sài lang,
Cho hạnh phúc lại tràn như thác lũ,
Thì con sẽ trở về thăm quê cũ,
Dù nhà mình đà đổ nát xác xơ,
Dù bên song chẳng ai đợi ai chờ,
Và mộ Mẹ đã phai mờ nét chữ.
Mấy mươi năm biệt xứ,
Tháng Tư về, nỗi nhớ có nào nguôi.
Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 4/2013

14.4.13

Tháng Tư ta sẽ cùng nhau trở về

 

 Bây giờ cuối tháng tư  nha
Mà sao ngày tháng như là dài thêm
Ban ngày bên ấy như đêm
Tháng Tư lại chất chồng thêm nỗi buồn
Quê nhà trời phủ đầy sương
Qua bao năm lạnh lùng hơn thêm mà
Tháng tư năm ấy đã xa
Triệu người lưu xứ rời xa biển sầu
Xa Quê đã mấy mùa Ngâu
Người đi nhiều ngả làm đau đớn lòng.
Sầu thương bên đục bên trong
Phế hưng lớp lớp sóng lòng khôn nguôi.
Bài thơ lục bát gửi người
Tháng Tư này vẫn ngậm ngùi nhớ nhau
Mặc cho năm tháng qua mau
Hẹn nhau : Một tháng Tư sau cùng về
Trở về sau buổi chia ly
Gặp nhau để biết người đi đã về
Gặp nhau một buổi chiều kia
Chao ôi ! mừng tủi còn nghe linh hồn
Của bao nhiêu những người thương
Cùng về nối lại quãng đường ngày mưa
Niềm vui nói mấy cho vừa
Chan hòa trong nắng ban trưa thanh bình .
                       Ngọc Bích

12.4.13

Hỏi “bà bán nước chè” ...

 

Hỏi thăm “bà bán nước chè”,
Bến Đò Rừng” cũ còn nghe sóng gầm?
Bà ở đó qua tháng năm,
Xót chăng vận nước thăng trầm nổi trôi?
Thánh Trần khuất bóng lâu rồi ,
Thủy triều đã xuống còn ngồi chi đây?
Gió rừng lay động cỏ cây,
Lòng tôi ray rứt vơi đầy biết không ?
Quê hương xa cách muôn trùng,
Xin cho tôi hỏi có không đường về.
Xứ người giá buốt buồn ghê!!!
 Montréal, 10/4/2013
Tuệ Quang Tôn-thất Tuệ

Viết tặng nữ sĩ Trần thị Lai Hồng, người thủ vai “Bà bán nước chè Bến Đò Rừng” trong hoạt nhạc cảnh “Hội Nghị Diên Hồng và trận Bạch Đằng Giang”, cung cấp dữ liệu thủy triều cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong trận thủy chiến chống xâm lược Nguyên Mông từ phương bắc .

Thưa rằng :
Tôi không còn bán nước chè
Bến Đò Rừng chỉ còn nghe tiếng gầm
Của loài thú dữ từ.... năm
.....Rời quê, bỏ quán tôi hằng nổi trôi
Toàn dân căm hận lâu rồi
Vì loài ác thú cứ ngồi mãi đây
Núi rừng, sông biển cỏ cây
Đã nghe Lời nguyện vang đầy thinh không
Của người xa cách muôn trùng
Triệu người lưu xứ quyết tâm trở về
Chao ôi ! ngày đó vui ghê

Là ngày đất nước miền quê thanh bình
Ngọc Bích
( họa nguyên vần bài thơ của cụ Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ)
"Bà Bán Chè" Kính Phúc Đáp
 Thưa tôi hết bán nước chè
Bến Đò Rừng vẫn còn nghe sóng gầm
Đổi đời đã mấy chục năm
Lìa nhà bỏ của kẻ trầm người trôi
Đất đai nhà nước thu rồi
Quán chè cũng chiếm đành ngồi trơ đây
Giận bừng lửa táp rừng cây
Sầu dâng tràn biển hận đầy từng không
Mênh mang sóng nước muôn trùng
Ngư dân gặp cướp tầu không lối về
Xứ mình nghĩ đến mà ghê.
 Bùi Tiến