Giải khăn tang cho một ân tình
Đã
hai năm qua , người đi thì cũng quá xa trên nẻo đường mây mờ phủ kín khung trời
dĩ vãng rồi. Nhân hôm nay là ngày giỗ thứ nhì của đàn anh Phạm Xuân Ninh Hà
Thượng Nhân, chỉ còn lại lũ chúng ta ngồi đây với nhau , xin được cùng bạn thắp
lên một nén nhang tưởng niệm đến người.
Đồng
thời tôi xin được nói rất chân thành từ những kỷ niệm, là quá khứ, là dĩ vãng
quá xa , là nhắc nhở về thời gần 50 năm qua, nói về đàn anh, huynh trưởng Hà
Thượng Nhân:
Tính
ra thì vào khoảng cách đây 45,46 năm về trước khi mà tôi còn ở quê nhà, thời
buổi gạo châu củi quế đó bỗng nhiên tôi được ông anh chồng Bảo Vân Bùi văn Bảo
giữ lại sau một bữa giỗ lớn của đại gia đình họ Bùi. Ông Bảo đưa cho tôi một
phong bì khá dày và căn dặn:
-
Tôi nhờ thím đem
phong bì thư này đến đưa cho anh Ninh, Phạm xuân Ninh chiều nay, đây là địa chỉ
của anh ấy. Khi anh ấy nhận rồi thì thím nhớ nói cho tôi biết vào sáng mai lúc
thím đi chợ qua đây. Hoặc là nhắn với chị( tức là bà giáo Bảo) cho tôi yên tâm
nghe.
Tôi ra về ,để các con ở nhà với chị người làm và dặn
chị :
-
Lát nữa cậu về
chị nhớ nói lại là tôi đi có chút việc mà ông bác nhờ nhé. Cả em Quỳnh cùng đi
với tôi nữa, nhưng tôi sẽ về trước giờ cơm tối.
Tôi và cháu bé út gọi xe xich lô đạp đến nhà xin gặp
anh Ninh, cũng vừa đúng lúc anh Ninh đi làm về tới. Tôi mừng quá nói ngay:
-
Bác Cả Bảo nhà em
nhờ đưa đến cho bác cái phong thư này và có dặn em là hễ gặp bác mà đưa thư này
xong thì về ngay ,sáng mai ghé qua cho
bác hay. May quá em lại gặp bác mà không phải chờ đợi đến tan sở bác mới
về.
Ông Ninh vui vẻ nhận cái phong thư dày cộm mà tôi đưa
cùng lúc ông gọi người nhà( lúc đó tôi nhớ là chính bà Ninh )đem trà mời tôi
uống song bà lui vào bên trong ngay khiến tôi cũng chưa kịp chào hỏi thăm sức
khỏe bà .Ông Ninh mở phong bì ra thì tôi thấy ông lôi ra một xấp tiền và đếm
cùng với một tờ thư ngắn. Xong ông lại bỏ ngay vào bì thư đó, miệng tươi cười
mà nói:
-
Anh Bảo chu đáo
quá, đã viết thư cảm ơn còn cho tiền quà
cho các cháu nhà tôi nữa. Chỗ anh em giúp nhau được là quý rồi . Tiền
thì ai chả cần, chả thích phải không thím? Nhưng tôi xin nhận tấm lòng của anh
ấy là đủ rồi, còn cái khoản tiền này thím cho tôi biếu lại thím vì tôi cũng
nghe phong thanh là thím và các cháu cũng đang túng quẫn , thì cứ coi như là
tôi biếu thím, thím cầm về lo cho các cháu .Lộc của tôi, tôi cho các cháu.
Tôi
vội vàng nói ngay:
-
Thưa bác em không
dám nhận đâu, bác Bảo cũng đã giúp đỡ em và các cháu nhiều rồi.
Ông
Ninh vẫn điềm đạm, ân cần đưa nguyên bì thư đầy tiền trong đó cho tôi mà nói:
-
Chỗ tôi với anh
Bảo thím an tâm, để tôi viết vài hàng cảm ơn anh ấy, cứ biết là tôi đã nhận rồi
là đủ. Thôi thím cho cháu về đi kẻo tối.
Đã
biết sơ qua về mối thâm giao giữa anh Bảo Vân và anh Ninh từ thuở hàn vi nên
tôi rất cảm động mà cầm lấy bì thư đầy tiền trong đó cùng với một thư ngắn của
anh Ninh gửi cho anh Bảo Vân . Tôi không được biết trong thư hai vị đã nói
những gì với nhau mà chỉ biết đem về đưa lại cho anh Bảo.
Trong
bì thư là số tiền $5000.(năm ngàn đồng tiền Việt nam thời ấy trị giá hơn ba
lạng vàng) mài mãi sau này tôi mới được biết rằng đó là số tiền mà anh Bảo biếu
anh Ninh để cảm ơn anh Ninh đã xin giúp giấy phép cấp cho anh Bảo được nhập
cảng giấy từ Nhật và Đài Loan về để giao cho nhà xuất bản Sống Mới in sách giáo
khoa bậc tiểu học Việt Ngữ Tân Thư .Những cuốn sách này đều do mấy anh em Bùi
văn Bảo, Bùi quang Minh, Chu đức Nhuận, Đoàn Xuyên, Bùi quang Kim biên soạn công phu và rất được thịnh hành
trong nước thời đó.Anh Bảo biết nếu anh ấy đưa thì chắc hẳn là anh Ninh sẽ
không nhận nên nhờ thím em dâu đưa lại thì có thể anh Ninh sẽ nhận. Nhưng anh
Ninh hồi đó chỉ nghe qua lời đồn về gia cảnh của tôi đang gặp hồi buồn phiền
,túng bấn với đám con bốn đứa mà vợ chồng đang lủng củng, thiếu thốn mọi bề mà
vì gia cảnh hai bên nên cứ phải “giấy rách cũng giữ lấy lề” .
Anh
Ninh vốn sống hiền hòa thanh bạch mà coi trọng ân tình và sẵn từ tâm nên chỉ
nhận số tiền đó cho anh Bảo vui lòng thôi nhưng thật ra anh lại muốn phụ với
anh Bảo giúp cho các cháu và tôi nên đã cho lại tôi số tiền này.
Với
số tiền đó tôi đã trả được mấy tháng tiền nhà còn thiếu, đong gạo, mua than,
mua sữa trả mấy món nợ vặt, và chi tiêu được cả tháng qua hồi túng thiếu. Tôi
cảm động vì ân tình giữa hai đàn anh đối với nhau mà cũng lại cảm kích về tấm
lòng của cả hai vị ấy và sự giúp đỡ đúng lúc, đúng thời của anh Ninh cho tôi và
các con qua số tiền coi như là bát cơm lúc đói vậy.
Thời
gian qua đi, hoàn cảnh và đất nước cũng tang thương biến đổi. Khi qua được bờ
bến tự do, anh Bảo từ Canada qua bên Mỹ ,anh muốn đến thăm lại bạn xưa, chính
tôi đã lái xe đưa cả hai vợ chồng anh Bảo từ Bakerfield đến thăm anh Ninh và
tôi cũng dặn lại các con tôi rằng: “ Mẹ
có một món nợ ân tình với hai vị này mà dù bất cứ điều gì bác Bảo và bác Ninh
nhờ hoặc cần đến thì xin các con hãy giúp mẹ mà làm bằng tất cả khả năng mình”.
Mẹ
con tôi đã luôn giữ trong lòng mối thâm tình ấy qua những việc bình thường như
là Bùi Minh Cương đã tiếp nối chi hướng của bác Bùi văn Bảo qua những “Truyện
sử Việt Nam” bằng hình ảnh cộng tác với con của bác Bảo là họa sĩ Bùi Bảo
Thạch…rồi lại tới những
Bộ
chữ Việt đầu tiên Trico phổ biến trên mạng lưới toàn cầu. Thuở còn sinh thời anh
Bảo đã biết và rất vừa lòng với việc làm này của cháu Bùi minh Cương.
Riêng
với anh Ninh, Phạm xuân Ninh thì mãi đến những ngày tháng cuối của anh, tôi
luôn luôn là người săn sóc thăm viếng , đưa đón anh đi những buổi hội họp, đón
bạn bè thân hữu của anh. Đặc biệt nhất là đối với những bạn xưa lâu ngày không
gặp lại anh Ninh vẫn giữ nguyên những tình cảm mà anh dành cho từng người một
khác nhau. Anh không vì thấy hoàn cảnh và địa vị xã hội nay đã đổi thay mà thay
đổi cách cư xử với bất cứ ai. Đôi khi anh dễ dãi và xuề xòa đến cái độ mà mọi
người đều nghĩ rằng mình chính là người bạn thân , là quan trọng với anh, là
rất người thân quý của anh . Ngay cả việc anh tiếp đón người em ruột từ Viêt
Nam qua thăm lúc anh bệnh , anh cũng giao cho tôi phụ giúp và tiếp đón bình
thường, thân tình trong gia đình của con trai anh là Phạm Hoài Bắc chứ không
làm gì đặc biệt hơn bất cứ ai ngay cả TT Nguyễn Bá Cẩn, Bùi Đình Đạm ( Đan
Phượng)Hà Huyền Chi, Hà Bỉnh Trung,NS Bích Thuận, Nguyễn Hữu Nhật& Nguyễn
thị Vinh, Trương thị Thịnh ,Nguyễn Trung Dũng, Cung Diễm,Đại Lãn Nguyễn Thượng
Dực, Bích Dư, Cao Mỵ Nhân, Ngô Minh Hằng,Cung Trầm Tưởng,Ngô Đình Chương, Võ
Phiến,Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Đông Anh, Trường Giang, Đặng Cao Ruyên, Nhật
Thịnh,Mạc Phương Đình,Hạo Nhiên, Hoàng Ngọc Văn, Xuân Bích, Tố Nguyên v.v.
Có lẽ chỉ riêng với Huệ Thu thì tôi thấy anh
Ninh đã coi như là một “Hồng nhan tri kỷ” khá đặc biệt.
Đó
mới đúng là tư cách của anh Phạm xuân Ninh, anh Hà Thượng Nhân mà tôi được biết
trong đời thường.
Còn
về cái từ Hà Chưởng Môn thì lại khác, bạn bè, anh em trong giới văn thơ vì quý
mến anh qua nhiều hình thức khác nhau nên họ tôn vinh anh bằng những từ ngữ đó
mà thôi. Thâm tâm anh chẳng bao giờ quan tâm đến hư danh nào cả.
Mãi
cho đến ngày anh ra đi, tôi có xin với gia đình cho tôi một mảnh khăn tang mà
không hề giải thích vì sao tôi lại xin chịu tang anh Ninh. Sự việc này cũng gây
nên một thắc mắc với một số người, song chỉ là chuyện nhỏ, đã qua rồi.Tất cả
mọi người trong gia đình anh cũng như gia đình anh Bảo đều không ai hay biết gì
về việc làm mà hai vị ấy đã “cứu đói, phò nguy” cho tôi và các con trong những
ngày xa xưa, trong dĩ vãng cả.
Nhưng
với riêng tôi thì bắt buộc phải nhớ đến người đã từng giúp tôi trong gian khổ.
Giả xử như nếu không có số tiền đó đúng trong thời điểm ấy thì tôi đã phải khó
khăn soay sở ra sao rồi nhỉ???
Đó
cũng là cái lý do mà tôi xin tự đội cho mình một giải khăn tang với niềm tiếc
thương kính quý rất chân thật mà tôi cảm thấy rằng tôi đã được nói với anh Ninh
một lời mà tôi đã ghi khắc trong lòng.
Khăn
tang ai đội cho mình
Đội
lên đầu cả ân tình đó thôi
Người
đi, dù khuất xa rồi
Chỉ
xin được nói một lời tri ân.
Ngọc
Bích
Đồng thời nhà thơ Cung Diễm cũng gửi đến một bài thơ mà xin ghi lại nơi đây để chúng ta cùng kính cẩn dâng lên một nén tâm hương đến Người.
Thương tiếc Hà Quân
Tình tang tích tịch tình tang
Từ nay giã biệt tiếng" Đàn ngang cung"
Tài hoa ngọn bút vẫy vùng
Khác nào như lưỡi gươm vung chiến trường
Sáng ngời ánh thép Cang Tương(*)
Làm cho khiếp vía những phường túi cơm
Hà quân một thuở Chưởng môn
Súng xưa"Tiền tuyến" hãy còn như vang
Ra đi để lạnh phím đàn
Nương theo hạc trắng mây ngàn vân du
Mỉm cười trong giấc thiên thu
Cung Diễm
Cang Tương là tên hai thanh kiếm báu thời xưa ở Trung Quốc